Cá sặc bổi là một loài cá thuộc họ cá Tai Tượng, được biết đến với nhiều tên gọi khác như cá sặc rằn, cá rô tía da rắn, cá rô tía Xiêm hay cá lò tho. Loài cá này là một món ăn chủ yếu trong nền ẩm thực của nhiều nước. Cá sặc bổi là loại cá có hình dáng khá đặc biệt, kích thước của chúng khoảng bằng bàn tay người, đuôi dẹp và có màu đen rằn.
Cá sặc bổi sống chủ yếu ở vùng nước nhiễm phèn như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đặc biệt là ở vùng đất Cà Mau – điểm giao thoa giữa sông và biển. Điều kiện có nhiều ưu đãi từ rong tảo và phu dù phong phú, vì thế mà thịt cá rất chắc, dai và thơm hơn ở các vùng khác. Người dân địa phương đã tận dụng điều kiện địa lý để chế biến cá sặc bổi thành các món ăn độc đáo, trong đó khô cá sặc bổi rất được ưa chuộng.
Khô cá sặc bổi
Quá trình chế biến khô cá sặc bổi Cà Mau đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Đầu tiên, người ta chọn những con cá sặc bổi tươi ngon và sau đó làm sạch để loại bỏ mùi hôi và các phần không cần thiết. Sau đó, cá được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc thông qua quá trình sấy công nghiệp. Quá trình này đòi hỏi kỹ thuật cao để đảm bảo cá được khô hoàn toàn mà vẫn giữ được hương vị và chất dinh dưỡng.
Người miền Tây chắc ai cũng biết và ăn qua con khô cá sặc. Người Việt ra nước ngoài, muốn mua món đặc sản quê ngon đãi khách hay biếu tặng đa phần nghĩ ngay đến khô cá sặc bổi. Đặc điểm độc đáo của khô cá sặc bổi Cà Mau không chỉ nằm ở hương vị thơm ngon tự nhiên mà còn ở giá trị dinh dưỡng cao. Các chuyên gia sức khỏe ngày nay thường khuyên mọi người nên sử dụng cá làm nguồn thức ăn chính để cung cấp chất đạm, phòng chống ung thư, cao huyết áp, béo phì,…. Cá sặc bổi cung cấp nhiều protein, dầu omega-3, muối khoáng và các chất vi lượng quan trọng. Mỡ cá có chứa nhiều vitamin A và vitamin D, rất tốt cho sức khỏe.
Khô cá sặc bổi Cà Mau thường được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống, như khô cá sặc trộn gỏi xoài, dưa leo hoặc sầu đâu; khô cá sặc kho tép mỡ, tôm khô; khô cá sặc sốt chua ngọt; hay cơm chiên khô cá sặc. Cách thưởng thức nguyên bản, giữ trọn hương vị và đơn giản nhất là khô cá sặc nướng trên than hồng. Than nóng vừa tới, đặt khô lên vỉ, lật đều hai mặt cho đến khi thấy phần ngoài hơi ngả màu và mùi thơm đặc trưng tỏa ra. Khô cá sặc nướng có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc rau sống. Thịt cá sặc nướng có mùi thơm, dai ngon, giữ được vị ngọt tự nhiên và vị mằn mặn vừa ăn, kết hợp cùng cơm trắng là món ngon dân dã, thanh đạm, nhưng càng ăn càng ghiền.
Nhanh gọn không kém là món khô cá sặc bổi chiên giòn. Chút dầu đun nóng sau đó cho cá khô vào trở đều mặt. Lửa nhỏ liu riu chiên chừng 5 phút là được mẻ cá. Khi chiên dầu hoặc mỡ thấm vào lớp da giúp vị cá thêm béo, phần vây đuôi giòn rụm có thể ăn được luôn. Những người bận rộn có thể chế biến nhanh gọn khô cá sặc bổi bằng cách cho cá khô vào nồi cơm, cách hấp này khá đơn giản mà ngon. Bởi tiện một công mà đôi việc, con khô không chỉ mềm thịt mà còn khá thơm, người già hoặc răng yếu vẫn ăn được.
Gỏi khô cá sặc bổi chiên giòn là món ăn đưa cơm mà người dân Cà Mau hết sức ưa thích
Khô cá sặc bổi là đặc sản quen thuộc và nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ từ bao đời qua. Nó đã góp mặt ở các bữa cơm gia đình đơn giản cho đến các quán ăn, nhà hàng chuyên về đặc sản trên cả nước. Khô cá sặc bổi không chỉ là món ăn ngon độc đáo mà còn là một loại đặc sản làm quà biếu mang giá trị đặc trưng của vùng miền. Với sự kết hợp giữa môi trường thiên nhiên ưu đãi, giá trị dinh dưỡng cao và kỹ thuật chế biến tinh tế, khô cá sặc bổi đã trở thành một đặc sản độc đáo đại diện cho hương vị và văn hóa ẩm thực Cà Mau.
Nguồn: Cổng thông tin tỉnh Cà Mau